Di sản nổi bật Chùa Bổ Đà

Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm, là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật. Đặc biệt là Mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Gần đây người ta phát hiện thấy một di vật rất thú vị của nhà văn Nguyên Hồng tại chùa, đó là một bản chép tay những quy chế của nhà chùa hồi ông trốn đời đi tu.

Trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm

Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm là thiền tông thứ tư ở Việt Nam do Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông (1279 - 1293) lập ra (thiền phái này được xem là tiếp nối của dòng Yên Tử, dòng Yên Tử lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 – đó là dòng Thảo Đường, Vô Ngôn ThôngTì-ni-đa-lưu-chi) có tính chất độc lập sáng tạo của Phật giáo ở Việt Nam. Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân Tông được coi là tổ đệ nhất. Tổ đệ nhị là Kim Cương Pháp Loa và tổ đệ tam là Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ). Cả ba vị tổ đều có tượng thờ ở nhà tổ của chùa. Sau này, vào thế kỷ 18 - 19, thiền phái Trúc Lâm hòa vào Lâm Tế tông và chùa Bổ Đà cũng được coi là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Lâm Tế. Đây là nơi kế truyền các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo các tăng ni. Hàng năm kết hạ an cư có các vị tăng ni tín đồ tham thiền học đạo khá đông.[4][8]

Nét kiến trúc truyền thống Việt cổ

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, đó là lối kiến trúc "nội thông ngoại bế" tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Với hệ thống bố cục kiến trúc hài hòa được xây dựng bằng các vật liệu: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường. Cổng vào chùa nền lát đá muối có kích thước to nhỏ khác nhau, xây theo kiến trúc thời Nguyễn mang dáng dấp gác chuông. Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số, tạo vẻ rất trầm mặc, gần gũi với vùng thôn quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000 m², khu nội tự chùa 13.000 m² và khu vườn tháp rộng: 7.784 m².

  • Khu vườn tháp tăng cổ kính: Một trong những nét đặc sắc của chùa Bổ mà du khách cũng không thể bỏ qua là khu vườn tháp tăng. Khu vườn tháp là một bãi đất nằm nghiêng theo độ cao của núi Bổ Đà trên diện tích gần 8.000 m² là nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị hòa thượng dòng thiền Lâm Tế. Nhà chùa đã dùng đá núi, gạch chỉ và đất thó xây dựng một bức thành dài bao quanh vườn tháp, khiến khu vườn luôn ở trong sự thanh tịch sâu lắng.[15]
    • Với khoảng 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất trong số những ngôi cổ tự ở Việt Nam.[15] Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị cao tăng đã từng tu hành tại chùa qua các thời kì lịch sử.[15] Mỗi cây tháp an táng từ 4 thi hài đến 26 thi hài; đa số tháp trong vườn là tháp 3 - 4 tầng với độ cao 3 – 5 m, những ngôi tháp sư tổ còn cao rộng hơn nữa.[15]
    • Các ngôi tháp mộ xếp hàng hàng, lớp lớp và được xây dựng theo những quy định riêng và rất chặt chẽ của thiền môn.[3] Trong số 3 cuốn gia phả bằng chữ Hán ghi rất rõ ràng: "Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng trên đỉnh có hình bình cam lộ đặt trên tòa sen, tháp của ni trên đỉnh có búp sen.[2][16]
  • Khu vườn chùa: được trồng các loại cây ăn quả truyền thống và các loại hoa màu theo thời vụ. Xung quanh được đào hào (rộng 2 m x sâu 1,5 m) vừa để thoát nước vừa để ngăn cách bảo vệ. Ngoài giá trị vật chất của di tích, từ xưa khu vườn chùa Bổ Đà đã là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
  • Khu nội tự (chùa Tứ Ân): Chùa chính Tứ Ân xây dựng vào thời Hậu Lê, được thiết kế theo kiểu kiến trúc Nội công ngoại quốc (một nét đặc trưng của chùa Việt Nam) bố trí tám cửa ra vào tượng trưng cho tám quái của vũ trụ (bát quái), đường đi thiết kế theo kiểu chữ Lục (六), trời mưa đi từ nhà nọ sang nhà kia không bị ướt.[11] Kiểu kiến trúc này giống với chùa Phật TíchBắc Ninh. Toàn bộ khu chùa hiện nay gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với tổng số 92 gian. Bao gồm: nhà bếp, nhà tạo soạn, nhà tổ ly, nhà tổ, nhà tiền tế, nhà in kinh, nhà trai, nhà hành lang hình thước thợ, nhà pháp, nhà khách, nhà ga, toà tam bảo. Toà tam bảo kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁). Phần hậu cung dài 12 m x 7,7 m gồm 5 gian. Toà tiền đường dài 21 m x 11 m có 7 gian, tường gạch, lợp ngói, nền lát gạch vuông, nền nhà cao 0,90 m có 3 bậc. Bậc thềm được lát bằng những phiến đá xanh có kích thước to nhỏ khác nhau. Phía trên là 5 bộ cửa bức bàn.

Dấu vết kiến trúc còn lại cho thấy các công trình được xây dựng vào thời Nguyễn. Từ khi khởi dựng đến nay nó vẫn ở nguyên vị trí ban đầu.[8]

Hệ thống cổ vật

Hiện chùa Bổ Đà còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quý có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật.

Hệ thống tượng Phật thời Lê

Trong chùa còn lưu giữ hệ thống tượng Phật thời Lê bằng gỗ khá đầy đủ. Tượng Phật chùa Bổ Đà không chỉ có giá trị lịch sử về sự phát triển của đạo Phật, của thiền phái Trúc Lâm, nó còn là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc phong phú. Trong đó có toà Cửu Long. Ở đây còn cây đèn thời Lê bằng gỗ. Mỗi cây cao 0,60 m; 1 choé cao 0,60 m; 1 lọ độc bình, 1 quả chuông đồng cao 1 m, đường kính 0,60 m có niên hiệu Tự Đức. Hai án thư ở nhà tam bảo sơn son thiếp vàng chạm khắc tinh xảo. Các bức đại tự, hoành phi, câu đối được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Chùa còn 1 chiếc mõ cá dài 0,60 m.

Mộc bản kinh Phật thiền phái Lâm Tế

Chùa Bổ Đà hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu quý hiếm có ý nghĩa cho việc nghiên cứu khoa học. Ở đây còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, ngoài những tấm bia đá, chuông đồng còn có hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ ván kinh Phật là một trong những bộ Kinh khắc gỗ cổ nhất Việt Nam được khắc vào khoảng năm 1741[15] khi các vị tổ sư xây dựng chùa Tứ Ân.

  • Ngày 7 tháng 5 năm 2016, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản Kinh phật tại chùa Bổ Đà của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất Việt Nam.[14]
  • Ngày 30 tháng 4 năm 2017, tại thành phố San Diego, Hoa Kỳ; Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác nhận kỷ lục Bộ mộc bản kinh phật của Chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới.[17][18][19]
  • Ngày 25 tháng 12 năm 2017, Mộc bản chùa Bổ đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt.[20][21] Bằng Công nhận Bảo vật đã được trao cho nhà chùa và chính quyền địa phương dịp Hội chùa Bổ Đà xuân Mậu Tuất (2018) sau đó.[22][23]

Bộ Kinh này được khắc không lâu so với bộ kinh Pháp Hoa tại chùa Phật Quang (đường Trần Quang Khải, phường Hưng Long, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) được khắc trong 28 năm (từ năm 1706 đến năm 1734), đã được đưa vào sách kỷ lục Việt Nam ngày 2 tháng 1 năm 2006. Cả hai bộ Kinh được cho là cổ nhất Việt Nam này có điểm chung là đều khắc trên gỗ thị.[24]

Bộ kinh tại chùa Bổ Đà được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đó là những di vật Phật học đặc biệt quý giá để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn ĐộTrung Hoa. Trong đó, có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy...[15] Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50 cm, rộng 25 cm và dày khoảng 2,5 cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250 – 300 m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.[15]

Trải qua gần 300 năm, bộ kinh hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Đặc biệt là những tấm gỗ thị dùng để khắc kinh đều rất bền, đẹp, không bị mối mọt, dù không dùng một loại thuốc bảo quản nào. Kinh được khắc nổi bằng chữ Hán, nét chữ tinh xảo, đến nay vẫn còn rất sắc, rõ nét. Đặc biệt, bộ kinh gỗ này có nói đến những đặc trưng của Phật giáo Trung Hoa khi được truyền vào Việt Nam với 3 tông phái (Thiền tông, Tịnh độ tôngMật tông). Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Trong đó tiêu biểu nhất là Tứ Diệu Đế - 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật - gồm: Khổ Đế, Nhân Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.[15] Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, những vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi... Bộ kinh cũng thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng của dòng Phật giáo thiền phái Trúc Lâm Tam tổ.[8]

Khác với mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (vừa vượt qua vòng sơ thẩm của UNESCO để trở thành di sản văn hóa của nhân loại), mộc bản chùa Bổ Đà được đánh giá là độc đáo và sở hữu nhiều bản có niên đại sớm hơn so với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Vì vậy, mộc bản chùa Bổ Đà hoàn toàn có đủ điều kiện để đệ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hợp Quốc xem xét công nhận là di sản tư liệu của Thế giới. Những bộ sách Hán Nôm này một số đã được dịch và in ra chữ quốc ngữ. Sự độc đáo của bộ kinh đặc biệt này đã thu hút hàng nghìn khách thập phương về đây tham quan, tế lễ mỗi năm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chùa Bổ Đà http://web.archive.org/web/20130218160019/http://w... http://web.archive.org/web/20180318054302/http://w... http://web.archive.org/web/20190212011715/http://c... http://web.archive.org/web/20190212011917/https://... http://web.archive.org/web/20190212131239/https://... http://web.archive.org/web/20190214061650/http://v... http://web.archive.org/web/20190215050804/http://d... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh... http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Bo-Moc-ban-Ki...